Quy định chung

Điều kiện vận chuyển hàng hóa

CHƯƠNG I: QUY ĐỊNH CHUNG 
Điều 1. Mục đích
Điều lệ vận chuyển hàng hoá được xây dựng nhằm những mục đích sau:
1. Điều lệ là khung pháp lý cơ bản điều chỉnh các mối quan hệ trong vận chuyển hàng hoá trên các chuyến bay của Tổng công ty Hàng không Việt Nam, sau đây được gọi là người vận chuyển;
2. Điều lệ là cơ sở để người vận chuyển ban hành các quy định và hướng dẫn thực hiện việc vận chuyển hàng hoá trên các chuyến bay của người vận chuyển.

 

Điều 2. Phạm vi điều chỉnh

Các quy định trong Điều lệ này áp dụng cho việc vận chuyển hàng hoá trên các chuyến bay của người vận chuyển.
Tuy nhiên, người vận chuyển có quyền loại trừ việc áp dụng bất kỳ phần nào hoặc tất cả các điều khoản này đối với hàng hóa được vận chuyển miễn cước.
Đối với các chuyến bay thuê chuyến, Điều lệ này sẽ được áp dụng đối với hợp đồng thuê chuyến không có giá thuê chuyến trừ khi người vận chuyển có quyền miễn trừ với tất cả hoặc một phần Điều lệ này. Tuy nhiên, Điều lệ này sẽ không áp dụng đối với hàng hóa được vận chuyển trên các chuyến bay thuê chuyến áp dụng giá thuê chuyến của người vận chuyển (nếu có) trừ khi được quy định rõ trong giá thuê chuyến. Trong trường hợp có sự khác biệt giữa điều khoản áp dụng của Điều lệ này và điều khoản thể hiện tại hoặc dẫn chiếu đến trong hợp đồng thuê chuyến, điều khoản của hợp đồng thuê chuyến sẽ được áp dụng và người gửi hàng, khi đã chấp nhận việc vận chuyển theo hợp đồng thuê chuyến, phải chấp nhận ràng buộc theo các điều khoản của hợp đồng thuê chuyến. 

 

Điều 3. Đối tượng áp dụng

1. Tổ chức, cá nhân Việt Nam; tổ chức, cá nhân nước ngoài sau đây gọi là tổ chức, cá nhân có nhu cầu vận chuyển hàng hoá và thực hiện các dịch vụ liên quan đến vận chuyển hàng hoá được tuân thủ theo các quy định tại Điều lệ này và các quy định khác có liên quan.
2. Các Ban thuộc khối cơ quan và các đơn vị trực thuộc của Tổng công ty Hàng không Việt Nam. 

 

Điều 4. Giải thích thuật ngữ

Trong Điều lệ này những thuật ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Vận chuyển: Việc chuyên chở hàng hoá bằng đường hàng không hoặc các phương tiện vận chuyển khác kể cả miễn cước hoặc thu phí.
2. Đại lý: Trừ khi có yêu cầu khác, đại lý là bất kỳ cá nhân hoặc tổ chức thay mặt người vận chuyển thực hiện các công việc liên quan đến vận chuyển hàng hoá theo hợp đồng đại lý hoặc được người vận chuyển uỷ quyền, trừ trường hợp họ chính là người gửi hàng đối với một lô hàng được vận chuyển theo Điều lệ này.
3. Người gửi hàng: Là người có tên trên vận đơn hàng không, là bên ký kết hợp đồng với người vận chuyển để vận chuyển hàng hóa.
4. Người nhận hàng: Là người có tên trên vận đơn hàng không, là người mà người vận chuyển giao hàng cho họ.
5. Hàng hoá: Là bất kỳ tài sản nào được vận chuyển hoặc sẽ được vận chuyển trong hầm hàng tàu bay theo vận đơn hàng không, trừ hàng thư tín, hành lý và tài sản của người vận chuyển. Tuy nhiên, hành lý được vận chuyển theo vận đơn hàng không sẽ được coi là hàng hoá.
6. Lô hàng: Trừ khi có quy định khác trong Điều lệ này, lô hàng là một hoặc nhiều kiện, hoặc bó hàng hóa được chấp nhận từ một người gửi hàng ở một thời điểm và tại một địa điểm, dưới một vận đơn hàng không, để vận chuyển đến một điểm đến cho một người nhận hàng.     
7. Vận đơn hàng không: Là chứng từ vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không và là bằng chứng của việc giao kết hợp đồng, việc đã tiếp nhận hàng hóa và các điều kiện của hợp đồng. 
Vận đơn hàng không có thể ở dạng giấy (vận đơn hàng không giấy) hoặc dạng điện tử (vận đơn hàng không điện tử). 
8. Dữ liệu điện tử: Bất kỳ bản ghi nào của hợp đồng vận chuyển được lưu giữ bởi người vận chuyển, là bằng chứng khác với vận đơn hàng không giấy, và là hình thức thể hiện của vận đơn hàng không điện tử. Dữ liệu điện tử là tập hợp các dữ liệu điện tử mô tả các thông tin về lô hàng vận chuyển được lưu giữ tại cơ sở dữ liệu của người vận chuyển.
9. Biên lai hàng hóa: Là tài liệu (dưới dạng giấy hoặc điện tử) do người vận chuyển cung cấp cho người gửi hàng ngoại trừ có thỏa thuận khác giữa các bên. Nó tương đương một bản ghi chứa các thông tin của lô hàng thay thế cho việc xuất vận đơn hàng không và là bằng chứng lô hàng đã được chấp nhận, sẵn sàng để vận chuyển.
10. Công ước áp dụng: Trừ khi có những yêu cầu khác, các công ước sau đây sẽ được áp dụng cho hợp đồng vận chuyển:
a) Công ước thống nhất một số quy tắc liên quan đến chuyên chở quốc tế bằng đường hàng không, ký kết tại Warsaw, ngày 12 tháng 10 năm 1929 (Công ước Warsaw); 
b) Công ước Warsaw được sửa đổi tại Hague ngày 28 tháng 9 năm 1955. 
11. Trọng lượng tính cước: trọng lượng tính cước có thể là trọng lượng thực hay trọng lượng theo thể tích của lô hàng, sử dụng trọng lượng nào cao hơn. Tuy nhiên, khi  có mức cước thấp hơn tính cho mức trọng lượng tối thiểu cao hơn, mức trọng lượng tối thiểu cao hơn được sử dụng là trọng lượng tính cước.
12. Dịch vụ đón hàng: Là dịch vụ vận chuyển mặt đất lô hàng từ địa chỉ của người gửi hàng hoặc đại lý được chỉ định đến sân bay xuất phát để chuyển hàng đi bao gồm quá trình vận chuyển mặt đất giữa các sân bay.
13. Dịch vụ trả hàng: Là dịch vụ vận chuyển mặt đất lô hàng từ sân bay đến tới địa chỉ người nhận hàng hay đại lý được chỉ định hoặc đến nơi lưu giữ của cơ quan nhà nước theo yêu cầu.
14. Ngày: Là ngày đầy đủ theo lịch bao gồm cả ngày Chủ nhật và nghỉ lễ. 
15. EDI: Được viết tắt từ Electronic Data Interchange được hiểu là trao đổi dữ liệu điện tử.
16.  SDR: Được viết tắt từ Special Drawing Rights được hiểu là đơn vị tính toán do Quỹ tiền tệ quốc tế xác định và được quy ước là Quyền rút vốn đặc biệt. 
17. SLI: Được viết tắt từ Shipper’s Letter of Instruction được hiểu là Hướng dẫn của người gửi hàng, là tài liệu chứa đựng các chỉ dẫn của người gửi hàng hoặc người được ủy quyền của người gửi hàng để chuẩn bị tài liệu và gửi hàng. 
18. ULD: Được viết tắt từ Unit Load Device được hiểu là thiết bị chất xếp của tàu bay bao gồm thùng (container), thùng gắn liền mâm (igloo), mâm hàng (pallet).

 
 
CHƯƠNG II: CHẤP NHẬN VẬN CHUYỂN 
Điều 5. Tiếp nhận hàng hoá
Người vận chuyển chấp nhận vận chuyển các lô hàng theo khả năng về trang thiết bị và tải cung ứng. Ngoài việc tuân thủ theo các quy định của người vận chuyển, việc tiếp nhận hàng hoá còn phải tuân thủ:
1. Việc vận chuyển không bị cấm bởi luật pháp hoặc quy định của các quốc gia liên quan trên hành trình của lô hàng.
2. Hàng hoá được đóng gói, đánh dấu, dán nhãn theo đúng quy cách phù hợp với vận chuyển đường không.
3. Hàng hoá có đầy đủ các tài liệu cần thiết đi kèm.
4. Hàng hoá không gây nguy hại đến tàu bay, tài sản, con người và hàng hoá khác.
Người vận chuyển có quyền từ chối vận chuyển hàng hoá khi hoàn cảnh yêu cầu mà không phải chịu bất kỳ một trách nhiệm nào. 

 

Điều 6. Hạn chế giá trị vận chuyển

Người vận chuyển có quyền từ chối vận chuyển lô hàng/nhóm lô hàng có giá trị khai báo vận chuyển vượt quá 2.000.000USD hoặc tương đương trên một chuyến bay. 

 

Điều 7. Đóng gói, đánh dấu và dán nhãn hàng hoá

1. Người gửi hàng có trách nhiệm đảm bảo rằng hàng hoá đã được đóng gói phù hợp cho việc chuyên chở, đồng thời phải đảm bảo:
a) Hàng hoá có thể vận chuyển an toàn trong điều kiện phục vụ bình thường.
b) Hàng hoá có thể chịu đựng được trong điều kiện thời tiết thông thường như: mưa, gió, nóng và lạnh.
c) Việc đóng gói phải đảm bảo hàng hoá không làm tổn hại cho người, động vật, hàng hoá và tài sản.
d) Mỗi kiện hàng phải được đánh dấu xác định người gửi hàng, người nhận hàng đảm bảo dễ nhìn và không bị mờ. 
e) Mỗi kiện hàng phải được dán nhãn nhận dạng hàng hoá và nhãn hàng hoá đặc biệt (khi gửi hàng đặc biệt) theo yêu cầu của người vận chuyển tuỳ từng loại hàng. 
2. Các kiện hàng có chứa hàng giá trị phải được đóng gói chắc chắn và được niêm phong nếu được người vận chuyển yêu cầu.
3. Người vận chuyển không chịu trách nhiệm phải ghi chép hoặc nhận biết về bất kỳ thông tin có trong lô hàng gom hoặc trước khi đóng gói lô hàng.
4. Người vận chuyển có quyền từ chối vận chuyển hàng hoá nếu hàng hoá đó được đóng gói, dán nhãn hoặc đánh dấu không phù hợp.

 

Điều 8. Chấp nhận hàng đặc biệt

1. Hàng đặc biệt bao gồm nhưng không giới hạn ở hàng giá trị cao, hàng nguy hiểm, hàng động vật sống, hàng mau hỏng, hàng dễ vỡ, hàng xác người,..., chỉ được chấp nhận vận chuyển với điều kiện đáp ứng đầy đủ quy định vận chuyển hàng hoá của người vận chuyển và quy định của các quốc gia liên quan. 
2. Đối với hàng nguy hiểm, người gửi hàng phải chịu trách nhiệm chứng minh bản chất lô hàng đảm bảo tuân thủ quy định của người vận chuyển và các quy định liên quan. Trong quá trình vận chuyển, theo quan điểm của người vận chuyển, nếu lô hàng được phát hiện là nguy hiểm, dễ cháy nổ, có nguy cơ gây hại, hoặc bản chất dễ bị hư hại, người vận chuyển có quyền giữ lại hàng, phá hủy, từ bỏ lô hàng với chi phí do người gửi hàng chịu mà không có nghĩa vụ bồi thường cho người gửi hàng. 
3. Nếu người gửi hàng vi phạm việc khai báo khi gửi hàng nguy hiểm, người gửi hàng đó sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật và quy định của người vận chuyển:
a. Người vận chuyển có thể tạm dừng việc vận chuyển hàng hóa của người gửi hàng vi phạm trong một thời gian và thông báo cho người gửi hàng đó;
b. Sau khi tiến hành đánh giá hành động khắc phục của người gửi hàng vi phạm, người vận chuyển sẽ đưa ra quyết định về việc chấp nhận vận chuyển trở lại hàng hóa của người gửi hàng đó;
c. Người gửi hàng chịu trách nhiệm bồi thường cho người vận chuyển và cho người thứ ba đối với thiệt hại phát sinh từ việc vi phạm trong khai báo khi gửi hàng.
4. Các hàng hoá đặc biệt phải được đóng gói và có đủ tài liệu chứng minh phù hợp với quy trình phục vụ hàng hoá đặc biệt của người vận chuyển và quy trình này là một phần của Điều lệ này. Trong trường hợp lô hàng đặc biệt bị hư hại với bất cứ lý do gì, người vận chuyển có quyền xử lý theo quy trình được cho là phù hợp nhất.  
5. Người gửi hàng phải chịu trách nhiệm về việc không tuân thủ các điều kiện về vận chuyển hàng đặc biệt và người gửi hàng có trách nhiệm đền bù cho người vận chuyển đối với bất cứ mất mát, hư hại, chậm trễ hoặc bị phạt do việc vận chuyển loại hàng hóa đó gây ra. 
Điều 9. Quyền kiểm tra hàng hoá của người vận chuyển  
Người vận chuyển có quyền kiểm tra bao bì và nội dung của lô hàng và yêu cầu người gửi hàng cung cấp đầy đủ thông tin hoặc tài liệu liên quan đến lô hàng. Tuy nhiên, người vận chuyển không có nghĩa vụ bắt buộc phải thực hiện như vậy.
Người gửi hàng phải đảm bảo cung cấp cho người vận chuyển các thông tin về số kiện, trọng lượng kiện hàng tại thời điểm đặt giữ chỗ và chấp nhận hàng. Tuy nhiên, do người vận chuyển không có nghĩa vụ phải kiểm tra nội dung của lô hàng, người vận chuyển được miễn trừ trách nhiệm đối với các chi phí phát sinh do người gửi hàng không tuân thủ việc cung cấp thông tin này. 

 

Điều 10. Người gửi hàng tự chất xếp

Khi người gửi hàng thực hiện việc chất hàng hoá lên ULD, phải tuân thủ hướng dẫn chất xếp của người vận chuyển và phải chịu trách nhiệm và bồi thường cho người vận chuyển đối với mọi hậu quả do việc không tuân thủ các hướng dẫn đó.
 
 
CHƯƠNG III: TÀI LIỆU 
Điều 11. Vận đơn hàng không 
1. Mục đích phát hành:
a) Bằng chứng của việc giao kết hợp đồng vận chuyển; 
b) Bằng chứng của việc giao nhận hàng;
c) Hóa đơn vận chuyển;
d) Chứng nhận bảo hiểm (nếu người gửi hàng yêu cầu bảo hiểm);
e) Hướng dẫn phục vụ, vận chuyển và giao nhận lô hàng.
2. Vận đơn hàng không giấy:
Vận đơn hàng không giấy được lập theo hình thức, cách thức và số lượng bản sao theo yêu cầu của người vận chuyển, và trong trường hợp người gửi hàng hoặc người được ủy quyền của người gửi hàng lập vận đơn hàng không, sẽ được chuyển giao cho người vận chuyển đồng thời với việc chấp nhận vận chuyển hàng hóa của người vận chuyển.
Hợp đồng vận chuyển bắt đầu có hiệu lực khi vận đơn hàng không giấy được hoàn tất, nghĩa là khi các bên ký vào vận đơn hàng không giấy. Các bên bao gồm: người vận chuyển hoặc đại lý chỉ định bởi người vận chuyển phát hành vận đơn hàng không và người gửi hàng hoặc người được ủy quyền của người gửi hàng. 
Hợp đồng vận chuyển hết giá trị khi lô hàng được giao cho người nhận hàng hoặc đại lý được uỷ quyền của người nhận hàng có tên trên vận đơn hàng không giấy.
3. Vận đơn hàng không điện tử: 
Người vận chuyển có thể thay thế vận đơn hàng không giấy bằng vận đơn hàng không điện tử. Khi đó, dữ liệu điện tử là hình thức thể hiện của vận đơn hàng không điện tử, là phương tiện để lưu giữ bằng chứng về việc thực hiện vận chuyển. Trong trường hợp này, khi người gửi hàng yêu cầu, người vận chuyển phải chuyển giao cho người gửi hàng biên lai hàng hóa cho phép nhận dạng lô hàng và tiếp cận với các thông tin kê khai trong dữ liệu điện tử theo quy định của người vận chuyển.
Khi đó, hợp đồng vận chuyển bắt đầu có hiệu lực khi biên lai hàng hóa với đầy đủ thông tin có thể được in và chuyển giao cho người gửi hàng, hợp đồng vận chuyển hết giá trị khi lô hàng được giao người nhận hàng hoặc người được uỷ quyền của người nhận hàng có tên trong dữ liệu điện tử.

 

Điều 12. Tài liệu đi cùng lô hàng

1. Tuỳ thuộc từng loại hàng, hành trình, yêu cầu của nhà chức trách liên quan trong việc kiểm soát (nếu có), mỗi lô hàng có thể yêu cầu một số tài liệu đi kèm.
2. Tài liệu đi kèm lô hàng phải đảm bảo theo yêu cầu của các cơ quan tại điểm đi, điểm trung chuyển và điểm đến trên hành trình của lô hàng.
3. Người gửi hàng chịu trách nhiệm chuẩn bị các giấy tờ, tài liệu của lô hàng phù hợp với các yêu cầu xuất khẩu, nhập khẩu và quá cảnh của các nước có liên quan trên hành trình của lô hàng. 
4. Chỉ có tài liệu cần thiết cho việc vận chuyển, khai báo hải quan của lô hàng mới được đính kèm vận đơn hàng không giấy hoặc biên lai hàng hóa. Tài liệu này có thể bao gồm vận đơn hàng không thứ cấp của các công ty thu gom hàng hóa. 

 

Điều 13. Chuẩn bị, chỉnh sửa và hoàn thành tài liệu lô hàng

1. Người gửi hàng có thể uỷ quyền cho người vận chuyển thay mặt mình lập vận đơn hàng không trên cơ sở các thông tin do người gửi hàng cung cấp bằng SLI. Nếu vận đơn hàng không giấy đã được giao cùng hàng hóa, hoặc dữ liệu điện tử đã được hoàn thiện trên hệ thống, hoặc nếu chi tiết và thông tin liên quan đến hàng hoá trên vận đơn hàng không do người gửi hàng hoặc người được ủy quyền của người gửi hàng lập không đầy đủ, hoặc không chính xác, người vận chuyển được uỷ quyền hoàn thiện hoặc chỉnh sửa vận đơn hàng không hoặc các chi tiết hay thông tin này trong khả năng tối đa của mình theo quy định của người vận chuyển mà không có nghĩa vụ bắt buộc phải làm như vậy.
2. Người gửi hàng phải chịu trách nhiệm về tính chính xác của các chi tiết và thông tin liên quan đến hàng hóa do người gửi hàng hoặc người được ủy quyền của người gửi hàng thể hiện trên vận đơn hàng không, hoặc được người gửi hàng cung cấp hoặc ủy quyền cung cấp cho người vận chuyển để lập vận đơn hàng không. Khi các thông tin này được cung cấp bằng EDI, người gửi hàng hoặc đại diện của người gửi hàng có trách nhiệm xác nhận nội dung, tính chính xác, đầy đủ của điện EDI theo tiêu chuẩn và quy cách thống nhất. Người gửi hàng phải chịu trách nhiệm với người vận chuyển hoặc những người liên quan tới người vận chuyển về những tổn thất do việc cung cấp thông tin không đầy đủ, chính xác. 

 
 
CHƯƠNG IV: GIÁ CƯỚC VÀ PHÍ VẬN CHUYỂN 
Điều 14. Quy định chung
1. Giá cước là số tiền mà người vận chuyển thu do vận chuyển một đơn vị khối lượng (kg) hoặc một đơn vị chất xếp (ULD) hàng hoá.
2. Giá cước áp dụng là giá cước đang có hiệu lực vào ngày xuất vận đơn hàng không bởi người vận chuyển hoặc đại lý của người vận chuyển. Giá cước tuân theo các nguyên tắc và điều kiện được công bố trong bảng giá và các quy định của người vận chuyển.
3. Cước là số tiền phải trả cho việc vận chuyển lô hàng hoặc các dịch vụ liên quan đến việc vận chuyển này. Cước phụ thuộc vào trọng lượng, thể tích và giá trị kê khai của lô hàng.
4. Đối với các lô hàng, việc tính cước được thực hiện bằng cách:
a) Nhân giá cước áp dụng với trọng lượng tính cước đốí với lô hàng áp dụng giá cước theo đơn vị khối lượng; hoặc 
b) Nhân giá cước áp dụng với số lượng ULD sử dụng đối với lô hàng áp dụng giá cước theo ULD.

 

Điều 15. Các dịch vụ không bao gồm trong giá cước và phí vận chuyển

Giá cước vận chuyển công bố chỉ bao gồm cước vận chuyển hàng hoá giữa các sân bay hoặc điểm hạ cánh gần điểm chỉ ra trong bảng giá công bố. Giá cước vận chuyển công bố không bao gồm các dịch vụ phụ thuộc khác, ngoại trừ khi có quy định khác của người vận chuyển. Các dịch vụ không bao gồm trong giá cước và phí vận chuyển như:  
1. Phí đón, trả hàng;
2. Phí lưu kho và sử dụng các trang thiết bị trong kho;
3. Phí dịch vụ thu tiền mặt tại nơi giao hàng (C.O.D);
4. Phí thu hộ;
5. Phí thông quan hộ người gửi hàng, người nhận;
6. Phí nộp hộ tiền phạt hoặc thu hộ nhà chức trách bao gồm cả các khoản thuế; 
7. Phí đóng gói lại hàng hoá;
8. Cước vận chuyển mặt đất (theo thỏa thuận) 
9. Các phụ phí khác.

 

Điều 16. Cước kê khai giá trị vận chuyển

1. Người gửi hàng có thể kê khai giá trị vận chuyển của lô hàng với điều kiện giá trị kê khai không lớn hơn giá trị được quy định tại điều 6 của Điều lệ này và phải chịu một khoản cước kê khai giá trị vận chuyển của lô hàng đó.
2. Cước kê khai giá trị một lô hàng được xác định trên cơ sở phần trăm của giá trị vượt quá giới hạn trách nhiệm của người vận chuyển đối với lô hàng, trong đó giá trị khai báo áp dụng cho tổng trọng lượng thực tế của lô hàng. 
3. Người vận chuyển không chấp nhận việc khai báo giá trị vận chuyển của một hoặc một số phần của lô hàng.

 
 
CHƯƠNG V: THANH TOÁN CƯỚC PHÍ 
Điều 17. Quy định chung
1. Cước theo trọng lượng và cước kê khai giá trị cũng như các chi phí phát sinh khác được người gửi hàng thanh toán khi gửi hàng tại sân bay đi gọi là cước phí trả trước “Charges Prepaid” (PP) hoặc thanh toán khi nhận hàng tại sân bay đến gọi là cước phí trả sau “Charges Collect” (CC). 
2. Cước theo trọng lượng và cước kê khai giá trị phải được trả toàn bộ theo hình thức trả trước (PP) hoặc trả sau (CC). Sự tách ra một phần trả trước và một phần trả sau sẽ không được chấp nhận. 

 

Điều 18. Cước phí trả trước

Các lô hàng thường được chấp nhận vận chuyển theo hình thức cước phí trả trước. Cước phí trả trước bao gồm cước theo trọng lượng, cước theo giá trị và các chi phí khác phát sinh trước khi lô hàng xuất phát. Ngoài ra cũng có thể bao gồm các khoản thuế, lệ phí của chính phủ hoặc nhà chức trách sân bay chuyển tiếp đã biết tại sân bay đi. 

 

Điều 19. Cước phí trả sau

1. Việc thu cước phí trả sau thường được áp dụng với điều kiện nhất định khi người vận chuyển cuối cùng hoặc người vận chuyển trả hàng chấp nhận thu cước phí trả sau, tuân thủ theo quy định của người vận chuyển đó.
Điều kiện áp dụng thanh toán cước phí trả sau được quy định bởi các quốc gia liên quan. 
Trong bất cứ trường hợp nào, người vận chuyển cũng có quyền từ chối các lô hàng yêu cầu trả cước sau đến các quốc gia có các quy định cấm việc đổi tiền sang các loại tiền tệ khác hoặc cấm việc chuyển tiền sang các quốc gia khác. 
2. Các loại hàng dưới đây không chấp nhận vận chuyển dưới hình thức cước phí trả sau:
a) Lô hàng liên quan đến những người không đủ năng lực pháp lý,
b) Địa chỉ người nhận hàng là nhà ga vận chuyển, khách sạn, hải quan hoặc các địa chỉ không rõ ràng khác,
c) Hàng được xác định là có giá trị tại nơi đến thấp hơn cước phí vận chuyển (như hàng mẫu, báo chí, bản in, báo ảnh, dụng cụ gia đình và đồ dùng cá nhân),
d) Các lô hàng thuộc hàng mau hỏng, hàng động vật sống, quà tặng và xác người.
 
Điều 20. Thanh toán cước
1. Giá cước được công bố bằng loại tiền tệ được chỉ rõ trong bảng giá và có thể được thanh toán bằng bất cứ một loại tiền tệ nào được người vận chuyển chấp nhận. Khi loại tiền tệ được thanh toán không phải là loại tiền tệ được công bố trong bảng giá, việc thanh toán này sẽ phải được thực hiện dựa trên tỷ giá hối đoái được người vận chuyển công bố. Thông báo về tỷ giá hối đoái luôn phải sẵn có để kiểm tra tại nơi thanh toán của văn phòng người vận chuyển. 

2. Các khoản thanh toán, dù là cước trả trước hay trả sau, tiền đặt trước và tiền thanh toán phát sinh và bất kỳ khoản phải trả nào cho người vận chuyển, sẽ phải được thanh toán đầy đủ, cho dù hàng hóa có bị thất lạc, hư hại hay không đến được điểm đến. Tất cả những khoản nói trên sẽ được thanh toán khi người vận chuyển nhận hàng, trừ trường hợp chúng có thể được người vận chuyển thu sau.
3. Người gửi hàng phải đảm bảo thanh toán tất cả các cước phí, phí trả sau, những khoản tạm ứng và thu hộ chưa trả cho người vận chuyển. Người gửi hàng cũng phải đảm bảo thanh toán tất cả các chi phí, tiền phạt, chậm trễ, hư hại và các chi phí khác mà người vận chuyển có thể phải gánh chịu hoặc bị thiệt hại vì lý do như hàng quốc cấm, đánh dấu, đánh số, ghi địa chỉ, đóng gói hoặc mô tả hàng hóa không hợp pháp, không chính xác hoặc không đầy đủ, thiếu sót, chậm trễ hoặc sai lệch của giấy phép xuất nhập khẩu hay bất cứ tài liệu hoặc chứng chỉ yêu cầu, hoặc kê khai hải quan không chính xác, hoặc thông báo sai lệch về trọng lượng hoặc thể tích. Người vận chuyển sẽ có quyền giữ lại hàng hóa có những vấn đề nêu trên và trong trường hợp không được thanh toán, người vận chuyển sẽ có quyền bán đấu giá hàng hóa công khai hoặc hạn chế (với điều kiện trước khi bán đấu giá, người vận chuyển phải gửi thông báo bằng thư cho người gửi hàng hoặc người nhận hàng theo địa chỉ thể hiện trên Vận đơn hàng không) và có quyền thanh toán bằng các khoản thu được từ việc bán đấu giá đó. Tuy nhiên, việc bán đấu giá đó không miễn trừ trách nhiệm của người gửi hàng và người nhận hàng đối với những phần thiếu hụt mà họ phải chia sẻ. Thông qua việc nhận hàng hoặc sử dụng bất cứ quyền lợi nào khác từ hợp đồng vận chuyển, người nhận hàng đồng ý thanh toán các loại cước, tổng tiền thực tế và tiền tạm ứng, ngoại trừ phần cước đã trả trước.
4. Nếu trọng lượng thực tế, kích thước, số lượng hoặc giá trị kê khai của hàng hóa vượt quá trọng lượng thực tế, kích thước, số lượng hoặc giá trị kê khai đã được tính cước vận chuyển trước đó, người vận chuyển có quyền yêu cầu thanh toán thêm phần cước vượt trội đó.
5. Người vận chuyển có thể hủy bỏ việc vận chuyển lô hàng khi người gửi hàng từ chối thanh toán toàn bộ hoặc một phần cước phí khi có yêu cầu của người vận chuyển, mà người vận chuyển không phải chịu bất cứ trách nhiệm nào.
 
 
CHƯƠNG VI: QUYỀN VÀ TRÁCH NHIỆM CỦA NGƯỜI GỬI HÀNG 
Điều 21. Trách nhiệm của người gửi hàng
1.  Người gửi hàng phải tuân thủ mọi luật lệ áp dụng và các quy định của chính phủ các Quốc gia mà hàng hóa đi, đến, quá cảnh hoặc bay qua bao gồm cả các quy định có liên quan đến việc đóng gói, vận chuyển hoặc trả hàng và phải cung cấp thông tin và gửi kèm tài liệu cùng với vận đơn hàng không giấy hoặc biên lai hàng hóa theo yêu cầu của pháp luật. Người vận chuyển không có nghĩa vụ kiểm tra tính chính xác, đầy đủ của thông tin hoặc tài liệu mà người gửi hàng cung cấp. Người vận chuyển không chịu trách nhiệm đối với người gửi hàng về những mất mát hay những phí tổn do người gửi hàng đã không tuân thủ theo điều khoản này.
2. Người gửi hàng phải bảo đảm thanh toán tất cả các khoản cước phí vận chuyển đúng hạn theo giá cước, điều kiện vận chuyển và những quy định có liên quan của người vận chuyển, luật hiện hành (bao gồm cả luật quốc gia thực thi Công ước), quy định, sắc lệnh và yêu cầu của chính phủ, trừ khi người vận chuyển chấp nhận việc thanh toán sau của người nhận hàng mà không cần sự đồng ý bằng văn bản của người gửi hàng.
3. Người gửi hàng hoặc người được ủy quyền của người gửi hàng phải chịu trách nhiệm trước người vận chuyển về tính đúng đắn của các thông tin và các nội dung liên quan đến hàng hoá mà mình cung cấp để cập nhật vào vận đơn hàng không. Nếu các thông tin đó được cung cấp bằng EDI, người gửi hàng hoặc người được ủy quyền của người gửi hàng có trách nhiệm phải kiểm tra lại nội dung, độ chính xác và tính hoàn chỉnh của các thông tin trong EDI.
4. Người gửi hàng phải bồi thường cho người vận chuyển đối với bất kỳ thiệt hại nào mà người vận chuyển phải gánh chịu hoặc đối với bất kỳ người nào khác mà người vận chuyển phải chịu trách nhiệm do việc không tuân thủ các cam kết của người gửi hàng.

 

Điều 22. Quyền định đoạt của người gửi hàng

 1. Quyền định đoạt chỉ được thực hiện bởi người gửi hàng hoặc người được ủy quyền của người gửi hàng, quyền này nhằm áp dụng trong những trường hợp phát sinh với toàn bộ lô hàng khi lô hàng đã được người vận chuyển tiếp nhận và lập xong vận đơn hàng không cho đến khi đã hoàn tất thủ tục trả hàng cho khách tại sân bay đến.
2. Người gửi hàng phải đưa ra yêu cầu của mình bằng văn bản, trong đó đảm bảo thanh toán tất cả các khoản chi phí phát sinh từ yêu cầu đó.
3. Khi người gửi hàng sử dụng quyền định đoạt của mình đồng thời phải xuất trình vận đơn hàng không gốc.
4. Tuỳ thuộc vào trách nhiệm pháp lý trong hợp đồng vận chuyển, người gửi hàng có thể sử dụng quyền định đoạt để:
a) Rút lại lô hàng tại sân bay xuất phát hoặc sân bay đến;
b) Dừng lô hàng ở bất cứ tại một điểm dừng nào;
c) Yêu cầu phát hàng cho người không đứng tên người nhận trong vận đơn hàng không tại điểm đến hoặc trên hành trình của lô hàng;
d) Yêu cầu chở ngược lô hàng về sân bay xuất phát.
5. Người gửi hàng không được thực hiện quyền định đoạt của mình để làm tổn hại đến người vận chuyển hoặc người gửi hàng khác. Nếu người vận chuyển thấy rằng việc thực hiện các yêu cầu của người gửi hàng là không thực tế, người vận chuyển có quyền không thực hiện và thông báo lại cho người gửi hàng biết.       
6. Quyền định đoạt của người gửi sẽ chấm dứt vào thời điểm khi mà sau khi hàng đến điểm đến, người nhận hàng sở hữu lô hàng, hoặc cách khác thể hiện việc đã nhận hàng. Tuy nhiên, nếu người nhận từ chối nhận hàng, hoặc nếu không thể liên lạc được với người nhận, quyền định đoạt này sẽ tiếp tục giao cho người gửi. 

 
 
CHƯƠNG VII: TRẢ HÀNG 
Điều 23. Thông báo hàng đến
1. Thông báo hàng đến là việc cung cấp thông tin về lô hàng đã đến sân bay đến cho người nhận để người nhận thu xếp nhận hàng.
2. Thông báo hàng đến là trách nhiệm của người vận chuyển và là căn cứ để giải quyết khiếu nại phát sinh nếu có. Ngay sau khi hàng đến sân bay đến, thông báo hàng đến bằng văn bản hoặc các hình thức khác phải được gửi ngay cho người nhận hàng hoặc người được uỷ quyền. 

 

Điều 24. Trả hàng

Ngoại trừ có quy định khác được ghi trong vận đơn hàng không, hàng hoá chỉ được giao cho người nhận hoặc đại lý được uỷ quyền của người nhận. Việc trả hàng cho người nhận coi như đã hoàn thành khi:
a) Người vận chuyển đã giao hàng cho người nhận hoặc đại lý của người nhận, người nhận đã nắm giữ quyền kiểm soát lô hàng, hoặc
b) Khi lô hàng đã chuyển giao cho cơ quan hải quan hoặc các cơ quan khác của nhà chức trách theo luật định. 

 

Điều 25. Địa điểm trả hàng

Ngoại trừ có sự thu xếp trước với người vận chuyển, người nhận phải nhận hàng tại sân bay đến được ghi trên vận đơn của lô hàng hoặc theo sự chỉ định của người vận chuyển.

 

Điều 26. Dịch vụ đón và trả hàng (trả hàng tại địa chỉ người nhận)

1. Thông thường lô hàng được chấp nhận vận chuyển tại kho hàng hoặc văn phòng của người vận chuyển tại sân bay xuất phát đến sân bay đến. Việc đón và nhận hàng tại sân bay đến là trách nhiệm của người nhận.
2. Dịch vụ đón và trả hàng có thể được cung cấp ở những điểm mà ở đó người vận chuyển công bố giá và chi phí cho các dịch vụ liên quan. Dịch vụ này chỉ được thực hiện khi có sự thu xếp đặc biệt giữa người vận chuyển và người gửi hàng hoặc người nhận, yêu cầu này phải chuyển cho người vận chuyển trước khi lô hàng đến sân bay đến.    
3. Người vận chuyển có thể uỷ quyền cho công ty vận chuyển mặt đất hoặc công ty phục vụ hàng hoá thực hiện dịch vụ đón và trả hàng với trách nhiệm pháp lý được công bố tại Chương VIII của Điều lệ này.   
 
Điều 27.  Hàng không phát được
1. Quy định chung:
Nếu người nhận hàng từ chối nhận hàng hoặc hàng không trả được, người vận chuyển sẽ cố gắng thực hiện các hướng dẫn của người gửi hàng thể hiện tại SLI hoặc vận đơn hàng không. Nếu không có các chỉ dẫn đó, hoặc các chỉ dẫn mới hoặc các chỉ dẫn đó không thể thực hiện được, người vận chuyển sau khi thông báo cho người gửi hàng có thể thực hiện các biện pháp sau:
a) Chuyển ngược lô hàng về sân bay xuất phát hoặc chờ đợi các chỉ dẫn tiếp theo của người gửi hàng hoặc,
b) Huỷ hàng hoặc bán một phần, nhiều phần hoặc toàn bộ lô hàng đó sau khi giữ lô hàng một thời gian theo quy định hiện hành của nhà chức trách liên quan.
Người gửi hàng và chủ lô hàng chịu trách nhiệm đối với tất cả các chi phí phát sinh từ việc từ chối nhận hàng của người nhận, kể cả chi phí vận chuyển lô hàng ngược về sân bay xuất phát.  
Trong trường hợp bán đấu giá hàng, người vận chuyển có thể được phép trừ lại phần tiền bù đắp tất cả chi phí đã phát sinh trước khi trả phần còn lại cho người gửi hàng.
Việc huỷ hoặc bán đấu giá hàng hoá phải đảm bảo tuân thủ quy định hiện hành của các nhà chức trách liên quan. 
2.  Hàng mau hỏng:
Đối với lô hàng có chứa hàng mau hỏng bị chậm chuyến trong quá trình vận chuyển, hoặc bị người nhận hàng từ chối nhận hàng tại địa điểm trả hàng, hoặc hàng bị hư hỏng vì nguyên nhân khác hoặc có khả năng bị hư hỏng, người vận chuyển phải thực hiện ngay các hành động cần thiết trên nguyên tắc đảm bảo quyền lợi tốt nhất của tất cảc các bên liên quan, trong đó bao gồm cả việc tiêu huỷ một phần hay toàn bộ lô hàng và gửi thông báo cho người gửi hàng biết các chi phí phát sinh, hoặc bán đấu giá công khai hoặc hạn chế mà không cần thông báo trước cho người gửi hàng.

 

Điều 28. Trách nhiệm thanh toán phí phát sinh

1. Người nhận hàng hoặc người gửi hàng có trách nhiệm thanh toán các khoản phí phát sinh tại nơi đến ngay cả khi lô hàng bị rách vỡ, hư hỏng hoặc mất trộm một phần, trong trường hợp người nhận hàng từ chối thanh toán thì người gửi hàng có trách nhiệm thanh toán phí phát sinh.
2. Người vận chuyển chỉ trả hàng khi cước vận chuyển và các phí phát sinh đã được thanh toán đầy đủ.   

 
 
CHƯƠNG VIII: GIỚI HẠN TRÁCH NHIỆM CỦA NGƯỜI VẬN CHUYỂN 
Điều 29. Trách nhiệm của người vận chuyển
1. Người vận chuyển sẽ chịu trách nhiệm trước người gửi hàng, người nhận hàng hoặc  người được uỷ quyền của gửi hàng, người nhận hàng về các thiệt hại xảy ra do sự mất mát, thiếu hụt, hư hỏng hoặc bị chậm trễ trong quá trình vận chuyển hàng hóa. Tuy nhiên, người vận chuyển sẽ không phải chịu trách nhiệm về mất mát, thiếu hụt, hư hỏng do khuyết tật vốn có, hoặc do chất lượng hoặc đặc tính tự nhiên của hàng hóa được vận chuyển.
2. Người vận chuyển sẽ không chịu bất kỳ trách nhiệm nào khi đã thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ của mình theo quy định tại Điều lệ này và các quy định, hướng dẫn liên quan, dù người vận chuyển có nhận thức được hay không sự mất mát, thiệt hại, thiếu hụt, hư hỏng có thể xảy ra.
3. Người vận chuyển sẽ được miễn toàn bộ hoặc một phần trách nhiệm trước người đưa ra yêu cầu bồi thường, nếu việc mất mát, thiếu hụt, thiệt hại, hoặc hư hỏng của hàng hóa gây ra do phía người đòi bồi thường (bao gồm hành vi sơ suất, hành động vô ý, sự bất cẩn, bỏ sót, các hành vi không hợp pháp…).
4. Người vận chuyển có quyền kiểm tra việc đóng gói và nội dung của toàn bộ hàng hóa được gửi cũng như có quyền điều tra sự chính xác và đầy đủ của các thông tin hoặc tài liệu được xuất trình cho bất kỳ hàng hóa gửi nào. Tuy nhiên, người vận chuyển sẽ không chịu trách nhiệm phải thực hiện các công việc đó. Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, người vận chuyển cũng sẽ không chịu trách nhiệm cho bất kỳ sự mất mát trực tiếp hoặc gián tiếp do kết quả của việc kiểm tra việc đóng gói và các hàng hóa được gửi đó.
5. Người vận chuyển sẽ không chịu trách nhiệm do việc từ chối vận chuyển hàng gửi nếu người vận chuyển xác định một cách hợp lý rằng việc từ chối đó được thực hiện theo pháp luật hiện hành, yêu cầu của chính phủ hoặc các quy định phải áp dụng.
6. Người vận chuyển có quyền yêu cầu người gửi hàng, người sở hữu hàng hóa và người nhận hàng phải bồi thường cho mình nếu hàng hóa của những người này đã gây ra thiệt hại đối với bất kỳ hàng hóa nào khác trên chuyến bay hoặc đối với các tài sản của người vận chuyển, cũng như sẽ phải bồi thường cho người vận chuyển về tất cả những mất mát, chi phí mà người vận chuyển đã phải gánh chịu do các thiệt hại đó gây nên. 
7. Trách nhiệm của người vận chuyển đối với hàng hoá được tính từ khi người gửi hàng hoàn tất thủ tục gửi hàng cho đến khi người vận chuyển trả hàng cho người có quyền nhận hoặc chuyển giao hàng cho người vận chuyển khác để vận chuyển tiếp. 

 

Điều 30. Giới hạn trách nhiệm của người vận chuyển

1. Mức giới hạn trách nhiệm bồi thường tối đa do mất mát, thiếu hụt, hư hỏng hoặc do vận chuyển chậm hàng hóa là 17 SDR cho mỗi kilôgam hàng hóa theo trọng lượng thực tế (đối với vận chuyển nội địa) và 19 SDR (đối với vận chuyển quốc tế). Trường hợp người gửi hàng có kê khai giá trị vận chuyển và trả một khoản cước giá trị, người vận chuyển sẽ bồi thường theo mức giá trị đã được kê khai, trừ trường hợp người vận chuyển chứng minh được rằng giá trị đã kê khai lớn hơn giá trị thực tế. Mọi khiếu nại sẽ dựa trên các chứng cứ có giá trị.
2. Trong trường hợp mất mát, thiệt hại hoặc vận chuyển chậm một phần hàng hóa hoặc vật phẩm bất kỳ nào đó của hàng hóa, trọng lượng được tính đến khi xác định giới hạn trách nhiệm của nhà vận chuyển chỉ là tổng trọng lượng của kiện hàng hoá hoặc các kiện hàng có liên quan. 
3. Bất cứ khi nào trách nhiệm của người vận chuyển được loại trừ hoặc được giới hạn dựa trên các điều kiện này, những loại trừ hoặc giới hạn đó cũng sẽ áp dụng cho các đại lý, nhân viên hoặc người đại diện của người vận chuyển.

 
 
CHƯƠNG IX: THỜI HIỆU KHIẾU NẠI VÀ KHỞI KIỆN 
Điều 31. Thông báo khiếu nại
1. Người vận chuyển chỉ chấp nhận đơn khiếu nại từ người nhận hàng hoặc người gửi hàng (khi được người nhận uỷ quyền, khi người nhận từ chối nhận hàng, khi người vận chuyển không liên lạc được với người nhận, người vận chuyển xác nhận mất toàn bộ lô hàng) hoặc người thừa kế hợp pháp, người được uỷ quyền của những người này. 
2. Mọi khiếu nại phải được làm bằng văn bản và gửi đến người vận chuyển trong thời hạn quy định:
a) Trong trường hợp hư hại: trong vòng mười bốn (14) ngày kể từ ngày nhận hàng;
b) Trong trường hợp chậm trễ: trong vòng hai mươi mốt (21) ngày kể từ ngày  kiện hàng cuối cùng của lô hàng đến;
c) Trong trường hợp mất hàng: trong vòng một trăm hai mươi (120) ngày kể từ ngày xuất vận đơn hàng không. 

Điều 32. Thời hạn khởi kiện
Quyền đòi bồi thường đối với các thiệt hại đối với hàng hóa chỉ được chấp nhận nếu người khiếu nại gửi đơn kiện trong vòng hai năm (2) kể từ ngày tàu bay đến địa điểm đến, ngày tàu bay phải đến địa điểm đến hoặc từ ngày việc vận chuyển bị chấm dứt, tùy thuộc vào thời điểm nào muộn nhất.

 
 
CHƯƠNG X: TỔ CHỨC, THỰC HIỆN 
Điều 33 . Điều khoản thi hành
1. Những quy định trong Điều lệ này có thể được sửa đổi mà không cần phải thông báo, tuy nhiên những sửa đổi đó sẽ không áp dụng cho những hợp đồng vận chuyển đã bắt đầu thực hiện. 
2. Không một đại lý, nhân viên hoặc đại diện nào của người vận chuyển có quyền sửa đổi hoặc huỷ bỏ bất kì điều khoản nào của hợp đồng vận chuyển hoặc của Điều lệ này. 
3. Trong trường hợp điều khoản nào được quy định hoặc được dẫn chiếu đến trong Điều lệ này có quy định khác với pháp luật Việt Nam hoặc điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, áp dụng quy định của luật pháp hoặc điều ước quốc tế đó. Bất kỳ điều khoản nào khi không còn hiệu lực cũng không ảnh hưởng đến hiệu lực của các điều khoản khác. 
4. Căn cứ vào Điều lệ này, người vận chuyển có thể ban hành các quy định, hướng dẫn thực hiện. Các quy định, hướng dẫn này phải đảm bảo phù hợp với Điều lệ. Trong trường hợp không có sự thống nhất giữa Điều lệ này với các quy định khác của người vận chuyển, Điều lệ được áp dụng, trừ khi có quy định khác trong Điều lệ.

 

Mọi chi tiết vui lòng liên hệ :

 

Số điện thoại Công ty: (84.28) 38116727 hoặc Hotline : 012 333 55 777 

 

 

 

HÀNH TRÌNH ĐƯỜNG THƯ

    Tra cứu vận đơn
    Xem

Hỗ trợ trực tuyến

Sales 01

Điện thoại: 012 333 55 777

Sales 02

Điện thoại: 0908 644 677

Sales 03

Điện thoại: 0968 207 208

Sales 04

Điện thoại: 090 7545 997

 

GIỜ LÀM VIỆC: 

T2 - T6: 08:00 - 17:00 

T7       : 08:00 - 16:00 

Nghỉ Chủ nhật, Lễ, Tết

 

Thống kê truy cập

  • Đang online: 4
  • Thống kê tuần:131
  • Thống kê tháng: 743
  • Tổng truy cập: 324952